Tiến Ra Biển Đông - Hành Trình 30 năm

30 năm kể từ khi TP.HCM mở rộng phía Nam để sau đó hàng loạt khu đô thị, cụm đô thị ra đời từ Phú Mỹ Hưng cho đến Hiệp Phước… Nay công cuộc phát triển vẫn tiếp tục đưa TP.HCM tiến gần hơn với biển Đông, trong tiến trình xây dựng đô thị một cách bền vững.

Thay lời đề tựa

Phú Mỹ Hưng – khu đô thị hiện đại được xây dựng từ vùng đầm lầy trở thành một trong những khu đô thị đáng sống bậc nhất, thu hút đông đảo cộng đồng người dân trong và ngoài nước chọn làm nơi sinh sống, làm việc, học tập, giải trí…

Diện mạo đô thị Phú Mỹ Hưng ngày nay không chỉ tập hợp những công trình kiến trúc, hạ tầng dịch vụ, hay tòa cao ốc thương mại bề thế…; mà hơn hết, sự hiện diện của thiên nhiên, cỏ cây, chim muông và những dòng sông uốn lượn khắp khu đô thị này đã hình thành nên“một tính cách độc nhất”của khu đô thị giàu bản sắc, đô thị vị nhân sinh, tôn trọng tự nhiên, đặt con người làm trọng tâm.

Điều này không phải là sự may mắn, hay ngẫu nhiên, mà đó là một hành trình nỗ lực kéo dài hàng thập kỉ của những người kiến tạo, cùng với sự hỗ trợ sâu sát của nhiều thế hệ Ban Lãnh Đạo Nhà nước, cơ quan chức năng, sự đồng hành của các chuyên gia trong nước và quốc tế khi “hiện thực hóa bản vẽ quy hoạch” từ cách đây hơn 30 năm.

Phumyhungcity.com.vn xin phép được đăng lại toàn bộ bài viết “Tiến ra Biển Đông” thuộc chuyên đề Phát triển xanh – ấn phẩm của báo Tài Nguyên và Môi Trường, có nội dung trao đổi, hợp tác với Bloomberg Businessweek số 2 tháng 11.2023.

TIẾN RA BIỂN ĐÔNG

30 năm kể từ khi TP.HCM mở rộng phía Nam để sau đó hàng loạt khu đô thị, cụm đô thị ra đời từ Phú Mỹ Hưng cho đến Hiệp Phước… Nay công cuộc phát triển vẫn tiếp tục đưa TP.HCM tiến gần hơn với biển Đông, trong tiến trình xây dựng đô thị một cách bền vững.

 

 

Nếu phải kể một chương mới trong lịch sử phát triển đô thị TP.HCM kể từ khi có chính sách đổi mới và hội nhập, Phú Mỹ Hưng là một lựa chọn phù hợp. Nếu đi bằng xe máy từ trung tâm quận Một, bạn chỉ mất 15 phút (tất nhiên trong trường hợp giao thông không quá tắt nghẽn) để đến được Phú Mỹ Hưng, nơi được bình chọn là một khu đô thị kiểu mẫu. Theo khái niệm “đô thị 15 phút” đây là quãng thời gian phù hợp để bạn tiếp cận được mọi nhu cầu phục vụ cuộc sống, từ việc làm, mua sắm, như lời quy hoạch sư Nguyễn Đỗ Dũng, đồng sáng lập, tổng giám đốc công ty enCity. Với TP.HCM, mô hình này có thể mở rộng thành “15 phút ra sân bay, ra cảng biển và thậm chí 15 phút ra tới rừng ngập mặn”, ông Dũng nói.

Sau 30 năm, từ một vùng đất hoang phế ngập phèn, Phú mỹ Hưng hiện là khu đô thị hiện đại, nhận được nhiều giải thưởng về thiết kế quy hoạch, cũng như danh hiệu “đô thị kiếu mẫu” của Việt Nam. Theo ông Dũng, khu đô thị này được quy hoạch bằng một “ngôn ngữ đô thị” đơn giản, mạch lạc, và nhấn mạnh được sự tương tác giữa các “thành tố” cấu thành một đô thị. Cụ thể, mạng lưới đường “ô bàn cờ” với một số đoạn uốn theo địa thế mặt nước, các công trình xây dựng đều có khoảng lùi nhỏ và có hoạt động gắn liền với vỉa hè. Về mặt công năng, Phú Mỹ Hưng được thiết kế để trở thành một trung tâm đa chức năng với các loại hình công trình đa dạng, từ nhà ở dân sinh đến tòa nhà văn phòng, các trường quốc tế, các trung tâm thương mại, khách sạn, và trung tâm triển lãm.

Các nhà quy hoạch của Phú Mỹ Hưng cũng giữ lại được đặc trưng sông nước của đô thị phía Nam, đồng thời không quên phát triển các mảng xanh (dự án hơn 430 héc ta này có mật độ cây xanh khoảng 8,9 m2/người, cao hơn nhiều so với mức 0,69 m2/người của TP.HCM), và khu đô thị này cung ứng được hầu hết tiện ích phục vụ nhu cầu của người dân đô thị, từ môi trường sống thoáng đãng, an ninh được đảm bảo, đến hệ thống dịch vụ giáo dục, y tế, và nhu cầu ăn uống. Vậy nên, suốt 23 năm qua kể từ ngày đón cư dân đầu tiên vào năm 2000, đã có hơn 39 ngàn người chọn Phú Mỹ Hưng làm nơi “an cư lạc nghiệp.”

Lịch sử hình thành khu đô thị Phú Mỹ Hưng gắn với sự ra đời của khu chế xuất Tân Thuận. Cả hai dự án đều có điểm chung: ông Phan Chánh Dưỡng. Ông Dưỡng là lãnh đạo đầu tiên của công ty Phát triển Tân Thuận, đối tác Việt Nam tham gia vào hai liên doanh phát triển khu chế xuất Tân Thuận và khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Cả hai dự án khởi động lần lượt vào năm 1991 và 1993.

“Phát triển theo hướng làm tăng giá trị bản sắc đô thị sông nước của TP.HCM sẽ gắn kết chặt chẽ với câu chuyện dòng sông Sài Gòn, về mọi mặt, từ đất nước, con người và cộng đồng đa bản sắc, cho đến kinh tế xã hội, văn hóa lịch sử, môi trường,” Tiến sĩ, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn.

“Phát triển đô thị đầu tiên bắt đầu từ bài toán kinh tế – xã hội, ông Phan Chánh Dưỡng nói. “Sau đó trên cơ sở nội dung nầy mới quy hoạch cơ sở hạ tầng và thiết kế nên kiến trúc diện mạo đô thị phù hợp với nội dung bài toán kinh tế xã hội nêu trên.” Là một trong những người tham gia biến vùng đất hoang sơ thành khu đô thị Phú Mỹ Hưng, ông Dưỡng nhớ lại: “Hồi đó, nhiều người nghĩ chúng tôi điên khi chọn địa điểm khu chế xuất, rồi khu đô thị ở vùng đất Nhà Bè “thả trâu xuống còn chìm.” Dẫu vậy, cựu giáo viên Vật lý này nghĩ khác. Với kiến thức kinh tế hình thành từ học hỏi và đúc kết thực tiễn kinh doanh, ông Dưỡng nghĩ sự phát triển của một thành phố lớn luôn gắn liền với sông ngòi và cảng biển. TP.HCM cũng vậy. “Cảng nhờ thành phố mà sống. Thành phố nhờ cảng mà lớn,” ông Dưỡng khái quát như vậy về mối quan hệ “cộng sinh” giữa thành phố một thời từng được gọi là Hòn ngọc Viễn Đông và cảng Sài Gòn.

Do cảng Sài Gòn nằm trong nội đô, cách biển đến 90 cây số, hàng hóa các tỉnh khi tập trung về “đầu tàu kinh tế của vùng” dễ gây ách tắc giao thông. Từ cảng đến cửa biển mất khoảng sáu tiếng đồng hồ di chuyển bằng tàu. Để tìm không gian phát triển cho thành phố, ngoài mở rộng về phía Đông để kết nối cùng các khu công nghiệp ở Biên Hòa, Đồng Nai, còn có thể đi xuôi dòng sông Sài Gòn về phía Nam. Nói cách khác, cần “hướng ra biển Đông.”

Năm 1989, thời điểm ông Dưỡng cầm đề án xây dựng khu chế xuất đi gặp lãnh đạo thành phố, bộ, ngành để tìm sự đồng thuận, trung tâm TP.HCM, nơi sông Sài Gòn chảy qua, khu vực phát triển chủ yếu ở bên bờ phải, phía Tây thành phố. Đối diện với khu trung tâm Nguyễn Huệ sầm uất, bên kia sông là Thủ Thiêm với khung cảnh làng quê, có nhiều dừa nước ven kênh rạch. Xuôi dòng ra biển, ngang cầu Tân Thuận, địa giới chỉ báo hết địa phận quận Tư, là vùng đất Nhà Bè. Từ đây ra tới Cần Giờ, chiếm 2/3 diện tích thành phố, hạ tầng cơ sở yếu kém, dân cư thưa thớt.

Ông Dưỡng kể, chọn Tân Thuận Đông để lập khu chế xuất do vị trí tiện lợi, gần trung tâm thành phố, gần nguồn lao động, chi phí đầu tư ít. Cái tên ban đầu khu công nghiệp Xuất khẩu Tân Thuận, theo ông Dưỡng, là do thành phố có chủ trương lập khu chế xuất Sài Gòn ở Cát Lái, gọi tắt là Sepzone, nên phải chọn tên khác. Cho đến khi không có nhà đầu tư vào Sepzone, khu chế xuất Tân Thuận mới được khởi công xây dựng vào năm 1991, với đối tác nước ngoài là CT&D đến từ Đài Loan. Đây cũng là đối tác tham gia liên doanh đô thị Phú Mỹ Hưng.

Bloomberg Businessweek số 2 tháng 11.2023, Chuyên đề Phát triển xanh.

Thông qua cuộc thi quốc tế với sự thắng cuộc thuộc công ty Skidmore, Owings & Merill (Mỹ), đô thị Phú Mỹ Hưng được triển khai xây dựng, với trục đường chính là đại lộ Nguyễn Văn Linh để nối khu chế xuất và quốc lộ 1A. Khi con đường dài gần 18 cây số, lộ giới 120 mét này hoàn thành năm 2006, bộ mặt Nhà Bè hoàn toàn khác. Dọc tuyến đường này, các công trình thi nhau mọc lên, xen kẽ là các công viên cây xanh. Thỉnh thoảng, người đi đường bắt gặp những ao sen, ao súng giữa các đảo nằm giữa các làn xe xuôi ngược.

Trong khi tiến trình đô thị hóa xuôi dòng ra biển của TP.HCM có hình mẫu tiêu biểu là Phú Mỹ Hưng, việc phát triển đô thị mới Thủ Thiêm tuy khởi động sau vài năm, vẫn chưa thể tạo được “Phố Đông” của TP.HCM như Thượng Hải thành công với Phố Đông. Chủ trương phát triển đô thị mới bên kia sông có từ năm 1993, cùng năm hình thành liên doanh Phú Mỹ Hưng.

Năm 1996, hơn ba năm kể từ khi có chủ trương quy hoạch, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký quyết định phê duyệt quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tương tự như Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm cũng được công ty thiết kế nước ngoài quy hoạch qua cuộc thi tuyển. Năm 2003, Sasaki Associate (Mỹ) thắng giải thiết kế, với tầm nhìn là “trái tìm mới” cho TP.HCM trong thế kỷ 21. Quy hoạch vẽ ra sự kết hợp hài hòa giữa hệ thống kênh rạch, công viên, không gian sống thân thiện.

Trải qua ba lần điều chỉnh, hạ tầng khu đô thị trên bán đảo rộng hơn 650 héc ta đã cơ bản hình thành các tuyến đường chính, tiêu biểu như đại lộ Mai Chí Thọ, từ hầm sông Sài Gòn xuyên bán đảo Thủ Thiêm theo trục Đông – Tây để vào xa lộ Hà Nội, hay cầu Thủ Thiêm nối quận Bình Thạnh và quận Hai. Xét riêng biệt từng dự án hay cụm dự án, có dự án có thể so sánh với Phú Mỹ Hưng như dự án Sala của Đại Quang Minh, hay dự án Đảo Kim Cương của Kusto. Xen lẫn giữa các công trình đã hoàn thành hay đang thi công, là khá nhiều khu đất trống chưa được xây dựng hoặc xây dựng dang dở. Đập vào mắt người quan sát khi đứng từ các cao ốc ven bến Bạch Đằng nhìn qua Thủ Thiêm là khối bê tông thẩm màu của một công trình xây dựng. Đó là dự án trung tâm triển lãm quy hoạch TP.HCM được khởi công từ năm 2013, đến nay vẫn chưa hoàn thành.

“TP.HCM là một thành phố trẻ,” tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu nói. “Trẻ ở đây là sức trẻ, năng động, linh hoạt.” Theo góc nhìn nghề nghiệp của bà, vùng đất có các di chỉ khảo cổ niên đại chẳng thua gì di chỉ Đông Sơn. Với hệ thống kênh rạch chằng chịt, giao thương buôn bán thuận tiện giữa nội vùng và quốc tế qua cửa biển, vùng đất này là nơi quy tụ người tứ xứ mà thành làng, thành xóm. Đặc trưng sông nước ăn sâu thành địa danh, để rồi có Bến Nghé, Bến Thành. Do “ai cũng là khách nhập cư, không ai xem mình là người chủ vùng đất nầy,” theo lời ông Phan Chánh Dưỡng. Do nhận thức như vậy mà hình thành nên tính bao dung. Tập hợp của những con người khác biệt về quê quán, văn hóa, theo bà Hậu, hình thành nên lối sống cởi mở, không định kiến. Nhờ vậy, mà những cái mới dễ dàng được chấp nhận, người làm ăn sẵn sàng chấp nhận rủi ro để thử nghiệm điều mới. Quan trọng hơn là họ dám làm, dám chịu. “TP.HCM có cộng đồng bền vững khi người nhập cư luôn đến, tiếp thêm sức sống cho thành phố,” bà Nguyễn Thị Hậu chia sẻ. “Họ không chỉ đến để kiếm việc làm, mà còn kiếm cơ hội để ở lại.”

Tuy nhiên, yếu tố bền vững về nhân lực đó đang giảm sút, nhất là khi xảy ra đại dịch Covid-19. Dân số TP.HCM, theo thống kê tính đến đầu tháng Sáu năm nay, xấp xỉ 8,9 triệu người. Trong đó, 67% trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, dân số năm 2022 ở đô thị phía Nam này, theo tin của báo Công an Nhân dân dẫn số liệu của công an thành phố, lên tới 12 triệu người. Nghĩa là có khoảng ba triệu người nhập cư sống ở TP.HCM. Do số liệu không chính thức, nên gần như không thể thống kê được con số thực tế rời TP.HCM từ tháng 10.2021, khi giãn cách xã hội do Covid 19 được nới lỏng.

“Đó là giai đoạn khó khăn của thành phố,” bà Hậu nhận xét. “Là trung tâm kinh tế, có thể thấy ngay nền kinh tế của thành phố đang bị tổn thương, mà biểu hiện là người dân chưa quay lại.” Ở thời điểm đó, có khoảng 292 ngàn người rời TP.HCM, theo tổng cục Thống kê. Không ít người về hẳn, không quay lại vì công việc ở các tỉnh cũng theo chân khu công nghiệp lan rộng về tỉnh. Ở Bến Tre, các khu công nghiệp Giao Long 1 và 2, ngày ngày có xe đưa đón công nhân tận xã. Có việc, chi phí sinh hoạt thấp hơn so với ở TP.HCM, khiến cho đèn Sài Gòn ngọn xanh, ngọn đỏ, chắc gì đã tỏ bằng đèn ở quê.

Kinh tế sau đại dịch chưa thể phục hồi, số công nhân còn bám trụ ở TP.HCM thưa dần. Có dịp xuống các khu công nghiệp Bình Chánh, Hiệp Phước hay Sóng Thần, giáp ranh TP.HCM, từ chủ nhà trọ, bán hàng ăn, cà phê, cho tới buôn ở các chợ phục vụ công nhân, ai cũng than. “Ai đời giữa tháng Chín, mà chủ hàng rau quả rủ nhau đi du lịch chơi, vì ế,” cô Nguyễn Thị Na, chuyên bỏ sỉ rau củ từ Đà Lạt về chợ Sóng Thần kể.

Là thành viên hội đồng tư vấn cho UBND thành phố trực hiện nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM, bà Hậu hình dung chủ trương này “như một chiếc áo mới bảo đảm cho TP.HCM phát triển”. Nghĩa là phải đủ rộng, đủ thoáng cho một cơ thể kinh tế – xã hội phục hồi và phát triển cho xứng tầm vị thế đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đầu tàu, theo nghĩa đen, là trung tâm dịch vụ logistics hỗ trợ cho cả vùng. “Cảng chỉ là một phần, hậu phương cảng, và các hoạt động tài chính – tín dụng – ngân hàng – bảo hiểm sẽ tập trung vào TP.HCM,” ông Bùi Đào Thái Trường, phó tổng giám đốc công ty tư vấn Roland Berger khu vực Đông Nam Á nói. Còn theo nghĩa bóng, đầu tàu của không gian kinh tế này, trong hình dung của vị giảng viên Fullbright Phan Chánh Dưỡng, tạo động lực cho cả Đông Nam Bộ lẫn đồng bằng sông Cửu Long.

Thế kỷ 21 là thế kỷ của châu Á, với 50% giá trị thương mại toàn cầu, theo báo cáo của McKinsey. 13 trong 20 hành lang kinh tế lớn nhất nằm ở châu Á. Cuộc cạnh tranh giữa các đô thị trong vùng trong thu hút đầu tư, nhân lực sự ngày một tăng. Khi đặt cạnh các đô thị vùng như Jakarta, Kuala Lumpur hay Bangkok, TP.HCM “có tính cạnh tranh cao trong một số mặt,” theo lời ông Nguyễn Đỗ Dũng, tổng giám đốc công ty EnCity, đơn vị đang tham gia thực hiện quy hoạch chung thành phố Thủ Đức và quy hoạch chung TP.HCM. Có lợi điểm về dân số trẻ, nhân lực được đào tạo cơ bản, quy mô thị trường lớn, thời gian di chuyển trung bình trong đô thị thấp, khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của thành phố và khả năng kết nối quốc tế được cải thiện nhanh thông qua sân bay quốc tế và hệ thống cảng biển. Các điểm quan trọng cần được cải thiện là chất lượng môi trường sống trong đô thị thấp, hạ tầng kinh tế kém, giá nhà so với thu nhập thuộc loại cao nhất châu Á – Thái Bình Dương.

Vậy đô thị TP.HCM phải phát triển làm sao để thu hút được nhân lực và nhân tài? Theo ông Nguyễn Đỗ Dũng, TP.HCM có vai trò như điểm kết nối, nơi giao thoa của các hệ sinh thái, nên cần khuếch trương lợi thế về điều kiện thiên nhiên để tạo môi trường sống hấp dẫn nhằm thu hút nhân lực và nhân tài. Ở đây, môi trường sống được mở rộng cho doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp lớn của nước ngoài. Với nhà khoa học xã hội Nguyễn Thị Hậu, đó chính là câu chuyện về vốn xã hội. “Ở đây là niềm tin, cụ thể là ba chữ: An,” bà nói. Đầu tiên là chữ an cư, có chỗ ở dù là đi thuê cũng phải có tính ổn định, phù hợp với nhu cầu thu nhập. Kế tiếp là an toàn, bao gồm cả an sinh xã hội. Và cuối cùng, là an tâm, tức là đời sống tinh thần được bảo đảm.

Bảo đảm được ba chữ “an”, là điều kiện cần có để xây dựng đội ngũ nhân lực, thu hút nhân tài, để TP.HCM có thể phát huy lợi thế trung tâm sản xuất, đẩy mạnh chuyển dịch theo hướng hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, sáng tạo.

“Định hướng phát triển trung tâm tài chính cho TP.HCM sẽ tập trung vào các lĩnh vực mà Việt Nam và TP.HCM có lợi thế, chẳng hạn như thu hút các tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở châu Á tại đây hay trung tâm tài chính cho thương mại quốc tế của Việt Nam,” ông Trường, người có bằng thạc sĩ kinh tế vận tải biển, đại học Erasmus University Rotterdam, nói. “Thành phố nên đón đầu những ngành mới như sinh học, dược phẩm, tự động hóa, bán dẫn và phát triển các ngành điện tử, hóa dược, cơ khí chính xác, tập trung dịch chuyển về thượng nguồn.”

Khi bài toán gốc kinh tế – xã hội được đặt vào trọng tâm, bài toán quy hoạch TP.HCM cho tương xứng vị thế của một trong hai đô thị đặc biệt của Việt Nam cũng sẽ tìm được lời giải phù hợp. “Với vị thế trung tâm kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, quy hoạch của TP.HCM trong thế kỷ 21 không chỉ có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu bảo tồn, chỉnh trang, và phát triển của thành phố, mà còn phải đóng vai trò kích thích liên kết và hợp tác vùng về mọi mặt giữa tám tỉnh thành trong vùng, đặc biệt là giữa bốn tỉnh thành đóng góp nhiều nhất cho ngân sách trung ương (TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương).” Ông Ngô Viết Nam Sơn nói. “Do vậy, việc khai triển xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kết nối vùng hướng tâm-kết nối khu trung tâm TP.HCM với khu trung tâm của tám tỉnh, thành và hệ thống đường vành đai đóng vai trò quan trọng chiến lược.”

Bloomberg Businessweek số 2 tháng 11.2023, Chuyên đề Phát triển xanh.

“Sông Sài Gòn trong hơn 300 năm qua đã làm nhiệm vụ thúc đẩy sự phát triển của toàn vùng, đặc biệt là tạo nên thành phố Sài Gòn – TP.HCM hôm nay. Đã đến lúc chúng ta nhìn lại và trả lại sự trong lành của dòng nước – cũng nhằm mục đích chuyển đổi và nâng cao công năng dòng sông Sài Gòn – một dòng sông như dòng máu chảy trong lòng từng người chúng ta,” ông Phan Chánh Dưỡng, trích từ Ký ức theo dòng đời.

Là người tham gia tư vấn thiết kế Phố Đông, Thượng Hải, tiến sĩ Ngô Viết Nam Sơn nhắc đến thời gian 15 năm đủ để Phố Đông thành hình. Thủ Thiêm sau 30 năm chưa thể thành Phố Đông của TP.HCM. Theo ông Sơn, TP.HCM cần có cái nhìn tổng thể để sử dụng hai bản thiết kế khác nhau cho cả bờ Đông lẫn bờ Tây, bảo đảm hài hòa giữa cũ và mới, giữa bảo tồn và phát triển. Nhìn lại bản phác thảo đô thị 2.600 héc ta ở Nam Sài Gòn, ông Dưỡng không khỏi nuối tiếc. Tuy nhiên, nhìn về tương lai, không hẹn mà gặp, cả ông Dưỡng, ông Nguyễn Đỗ Dũng lẫn ông Bùi Đào Thái Trường đều chung ý nghĩ: TP.HCM có vị trí quan trọng ở bờ Tây Thái Bình Dương. “TP.HCM phải hướng ra biển Đông. Và đối với bên trong phải kết nối được với cả vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ,” ông Dưỡng nói.

Không gian vùng kinh tế không phụ thuộc vào địa giới hành chính, mà là tầm nhìn. Tầm nhìn ấy được cụ thể hóa bằng khu đô thị Phú Mỹ Hưng, nơi công trình kiến trúc đầu tiên, theo ông Dưỡng được xây dựng công trình trường học. Đó là thiết kế trường học được sở Xây dựng cấp phép, chứ không phải sở Giáo dục do điều kiện lúc đó không thể lập đề án có đủ số liệu về nhu cầu, người học… Thiết kế đó nay là trường Trung học phổ thông Nam Sài Gòn, nơi có gần ba ngàn học sinh theo học trong năm học 2023-2024. Vì lợi ích trăm năm trồng người là vậy.

(Trích thư tòa soạn – Đô thị và quản trị đổi mới, Bloomberg Businessweek số 2 tháng 11.2023, Chuyên đề Phát triển xanh)

Chia sẻ:
Hotline: 0931 111 811
Chỉ đường Zalo Zalo: 0931 111 811 SMS: 0931 111 811

căn hộ Phú Mỹ Hưng, can ho Phu My Hung Quan 7

Do thi Phú Mỹ Hưng

Các dự án căn hộ cao cấp Phú Mỹ Hưng Q7